MỘT CỬA HÀNG THẺ BÀI POKEMON Ở OSAKA TỪ CHỐI MUA THẺ DO NGƯỜI VIỆT NAM BÁN LẠI
Kodoani.com - Gotcha là một cửa hàng ở trung tâm thành phố Osaka chủ yếu kinh doanh các loại thẻ bài Pokémon Yu-Gi-Oh!. Giống như nhiều cửa hàng sưu tập thẻ bài, Gotcha hoạt động theo kiểu như một người mua và người bán, cửa hàng chuyên bán các loại thẻ bài, đồng thời đánh giá và mua lại các thẻ do các cá nhân mang đến.
Tuy nhiên, kể từ ngày 5/8, Gotcha đã thông qua chính sách mới và cho biết sẽ không mua bất kỳ thẻ bài hay vật phẩm nào từ người mang quốc tịch Việt Nam. Tuyên bố, được đăng ở đây thông qua tài khoản Twitter chính thức của Gotcha, có nội dung:
"Thông báo từ chối mua hàng của một bộ phận khách hàng
Trong tương lai, chúng tôi sẽ từ chối mua bất kỳ mặt hàng nào của khách hàng mang quốc tịch Việt Nam. Đây là quyết định toàn diện của cửa hàng chúng tôi và chúng tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến lý do chi tiết.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới một phương thức kinh doanh an toàn, bảo mật. Cảm ơn các bạn đã hiểu cho chúng tôi".
Việc yêu cầu mọi người thông cảm nhưng không đưa ra thông tin chi tiết nào về sự thay đổi chính sách này của cửa hàng là vô cùng táo bạo, và lời tuyên bố trước về việc không giải thích thêm đang khiến nhiều người đưa ra vài suy đoán.
Thời gian qua, các mặt hàng sưu tầm hiếm về chủ đề game, anime và manga đang tăng mạnh ở Nhật, như các loại máy console cũ, mô hình Gunpla, và các loại thẻ bài Pokemon giới hạn. Những mặt hàng này trở nên thu hút các otaku mọi lứa tuổi ở Nhật. Các cửa hàng bán những mặt hàng này thường có khách xếp hàng để trao đổi. Họ là những người “đầu cơ”, tìm cách mua càng nhiều càng tốt để sau đó bán kiếm lời khi giá tăng lên hoặc hết hàng.
Các thẻ bài Pokemon có giá trị rất cao, đặc biệt là những thẻ chỉ sản xuất với số lượng giới hạn trong quá khứ. Đơn cử như trường hợp của thẻ bài Pikachu Illustrator sản xuất năm 1998 đã được ngôi sao mạng xã hội Logan Paul mua lại với giá 6 triệu USD. Với lý do này, những thẻ bài hiếm như thế thường là mục tiêu của trộm cắp hoặc làm giả.
Mặc dù cả người Nhật Bản và công dân nước ngoài đều tham gia vào hoạt động giao dịch này, nhưng nếu người bán lại là người nước ngoài thì sẽ được chú ý nhiều hơn trong các cuộc giao dịch trực tuyến, hoặc có thể do thành kiến người Nhật mua số lượng để phục vụ cho việc tặng lại cho bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Sự gia tăng “đầu cơ” các loại thẻ hiếm này đã khiến một cửa hàng thẻ Pokémon ở Tokyo ban hành chính sách chỉ bán một số mặt hàng nhất định cho trẻ em, nhằm bảo đảm những người hâm mộ nhỏ tuổi vẫn có thể tận hưởng sở thích sưu tầm.
Tuy vậy, việc cửa hàng Gotcha đăng thông báo từ chối giao dịch với người Việt Nam đã thu hút sự chú ý. Có vẻ họ không để ý lắm đến chuyện đầu cơ của người hâm mộ mà họ quan tâm đến một số rủi ro khi mua lại các loại thẻ bài từ người Việt.
Theo trang tin SoraNews24, việc dân otaku Nhật Bản lùng mua các thẻ bài hiếm đang làm gia tăng loại hình tội phạm liên quan đến các hoạt động mua bán này, chủ yếu là trộm cắp và làm giả. Điều này đã khiến các cửa hàng thẻ bài Nhật Bản rà soát kỹ lưỡng hơn trước khi mua một loại thẻ bài nào đó. Và thông qua quá trình tìm hiểu trên không gian mạng, nhiều cửa hàng thẻ bài nghi ngờ rằng nhiều người Việt Nam ở Nhật có liên quan đến các hoạt động kinh doanh thẻ bài trái phép.
Cũng cần lưu ý rằng không rõ liệu chính sách của cửa hàng Gotcha có thực sự hợp pháp hay chỉ đơn giản là một biện pháp ngăn chặn có thời hạn. Dư luận Nhật Bản chia 2 luồng ý kiến, một bên cho rằng họ thông cảm với chủ trương của Gotcha sau khi nhiều vụ phạm tội liên quan đến buôn bán thẻ bài xảy ra và bên còn lại phản đối chính sách của cửa hàng vì đã thể hiện sự phân biệt đối xử với người nước ngoài. Hy vọng rằng một cách giải quyết vấn đề thích hợp hơn sẽ được ban hành trong tương lai không xa.
[Theo Yaraon! và SoraNews24] và Kodoani.com